Sunday, September 29, 2013

Xây dựng hệ thống giao thông Tây Bắc - Giao thông phải đi trước

Tây Bắc là vùng có nhiều đồi núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh nên giao thông đi lại hết sức khó khăn. Do những khó khăn về giao thông nên tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác.

Hệ thống giao thông còn yếu


Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết: Trong những năm qua được Chính phủ quan tâm đầu tư và chỉ đạo quyết liệt nên hầu hết các tuyến đường huyết mạch cũng như những công trình trọng điểm trên địa bàn Tây Bắc đã và đang được xây dựng. Cơ sở hạ tầng GTVT bước đầu được cải thiện đáng kể so với trước đây, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong vùng, rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo giữa miền núi với đồng bằng.

Giao thông thuận tiện là cơ sở cho các chương trình đầu tư phát triển của vùng cao. 
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của GTVT vùng Tây Bắc vẫn trong tình trạng yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đang là nhu cầu hết sức cấp bách. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, nhìn chung tỷ lệ rải mặt nhựa, mặt đường trong khu vực Tây Bắc còn thấp, nhất là đối với đường giao thông nông thôn, hiện còn nhiều xã trong khu vực Tây Bắc chưa có đường giao thông đến trung tâm. Các tuyến đường sắt trong khu vực có chiều dài khoảng 700 km, năng lực vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu, trong đó có các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Đồng Đăng, Lưu Xá - Kép - Hạ Long. Về đường hàng không, trong vùng Tây Bắc mặc dù đã có hai sân bay là Nà Sản (Sơn La) và Mường Thanh (Điện Biên) nhưng đều hạn hẹp, trong đó có một sân bay đã dừng hoạt động.

Tầm nhìn dài hạn

Xuất phát từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong vùng Tây Bắc đã xây dựng qui hoạch phát triển GTVT toàn vùng đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020.

Về đường bộ, trong giai đoạn 2015 sẽ hoàn thành ba tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên và Hòa Lạc - Hòa Bình. Theo Bộ Trưởng Đinh La Thăng, tuyến Hà Nội - Lào Cai sẽ thông tuyến kỹ thuật trước Tết âm lịch 2014, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đến nay cùng với sự vào cuộc của các địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh phúc, Hà Nội nên công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công đang được gấp rút tập trung để sớm hoàn thành vào cuối năm 2013. Tuyến Hà Nội - Thái Nguyên phấn đấu cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013, nhưng vẫn còn một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng phía Hà Nội, nếu không giải quyết sớm thì chuyện chậm tiến độ là dễ hiểu. Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ GTVT sẽ phối hợp với chủ đầu tư sớm giải quyết những vướng mắc về cơ chế chính sách, điều chỉnh lại dự án…
Định hướng đầu tư hạ tầng giao thông Tây Bắc đến 2020 Tổng hợp vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2012-2020 cho vùng Tây Bắc khoảng 125.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2012-2015 là 66.000 tỷ đồng, đường bộ chiếm 95,9%, đường sắt 3,88%, hàng không 0,06%, đường thủy nội địa 0,14%. Giai đoạn 2016-2020 là 58.000 tỷ đồng, trong đó đường bộ 82%, đường sắt 4,91%, hàng không 8,4%, và đường thủy nội địa 4,10%. Mặc dù định hướng đến 2020 là như vậy nhưng Bộ GTVT đã có kế hoạch cụ thể đến từng dự án của kế hoạch 2020. Để thực hiện được mục tiêu đó, Bộ GTVT sẽ cùng với các địa phương, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để đề xuất những giải pháp, cơ chế để huy động các nguồn lực bao gồm cả ngân sách nhà nước, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ và các nguồn lực khác.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, từ nay đến 2020 sẽ đầu tư để kết nối được đường cao tốc giữa Lào Cai và Lai Châu để tạo vòng tròn khép kín, kết nối Cao Bằng, Lạng Sơn với Trung Quốc. Về hệ thống Quốc lộ (QL), phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành các dự án đã được bố trí vốn như QL2, QL3, QL6, QL4, QL37, QL32, QL279… đầu tư cải tạo các cầu yếu trên các tuyến QL, kiên cố hóa các điểm sạt lở nghiêm trọng trên các tuyến QL tạo tâm lý yên tâm cho người dân. Đến giai đoạn 2020 sẽ đầu tư cơ bản và kiên cố hóa đối với các tuyến đường QL, đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh trong khu vực và các tuyến đường lan tỏa và các tuyến trung tâm.

Về đường sắt, đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai bằng nguồn vốn ODA và duy trì năng lực khai thác hiện có bằng các tuyến đường sắt. Đến giai đoạn 2020 sẽ đầu tư nâng cấp tuyến Đông Anh - Quán Triều, Kép - Lưu Xá và sẽ nghiên cứu huy động nguồn vốn để đầu tư xây mới tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng vào thời điểm thích hợp. Về đường thủy nội địa, duy trì và đầu tư nâng cấp cảng Việt Trì, hoàn thành đề án vận tải thủy ở các lòng hồ thủy điện. Đến 2020 sẽ nâng cấp tuyến vận tải Việt Trì - Lào Cai và Phả Lại - Đa Phúc.

Về hàng không đến 2015 sẽ đầu tư nâng cấp sân bay Mường Thanh (Điện Biên) và xúc tiến tìm nguồn vốn đầu tư sân bay Nà Sản (Sơn La). Theo Bộ Trưởng Đinh La Thăng, mặc dù sân bay này rất gần Hà Nội nhưng nó có chiến lược đặc biệt quan trọng gắn với quốc phòng, an ninh. Hiện nay, sân bay Nội Bài đang phải khai thác dùng chung trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Nhưng về lâu dài cần chuyển lĩnh vực khai thác quốc phòng về sân bay Nà Sản. Hiện nay Bộ GTVT đang làm việc với tỉnh Sơn La và Bộ Quốc phòng điều chỉnh lại quy hoạch và có kế hoạch mục tiêu cho từng giai đoạn.
Bộ GTVT cũng đã công bố qui hoạch sân bay Lào Cai, sân bay Lai Châu. Tỉnh Lào Cai cũng cam kết với Bộ GTVT sẽ kêu gọi các nguồn vốn khác nhau để xây dựng sân bay Lào Cai, Bộ GTVT cũng đồng tình ủng hộ quan điểm của Lào Cai khi địa phương này có hướng phát triển sân bay Lào Cai dạng “sân bay taxi” phục vụ du lịch. Mặc dù đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai thời gian chạy sẽ được rút ngắn nhưng theo Bộ trưởng Bộ GTVT việc xây dựng sân bay Lào Cai là cần thiết theo hướng phục vụ du lịch. Sân bay Lai Châu, Bộ GTVT cũng đang xem xét đầu tư khi có điều kiện. Về hệ thống đường địa phương đến 2015 phấn đấu 100% xã có đường giao thông đến trung tâm. Đây là chiến lược phát triển giao thông nông thôn đã được phê duyệt. Giai đoạn 2020 có 100% đường giao thông đến trung tâm xã, đường huyện, đường tỉnh đi lại được bốn mùa.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Để có nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc rất cần có cơ chế đặc biệt, đó là cơ chế đối tác công - tư. Tìm hướng huy động được nguồn vốn tư nhân để tham gia phát triển kế cấu hạ tầng giao thông, điều này không chỉ ở những dự án lớn mà có thể áp dụng vào cả những dự án giao thông nhỏ, nếu có điều kiện huy động thì rất tốt.

Bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương trong vùng Tây Bắc phối hợp với Bộ GTVT để triển khai kế hoạch phát triển giao thông trong vùng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Các tỉnh cần phối hợp với Bộ GTVT làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả đầu tư, đến tiến độ và chất lượng công trình. Trong khi nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn hẹp, các tỉnh và ngành giao thông cố gắng giữ được hạ tầng hiện có. Muốn thế, các tỉnh phải tăng cường kiểm tra tải trọng xe. “Thực tế cho thấy, không rõ các địa phương khai thác khoáng sản được bao nhiêu, nộp ngân sách nhà nước nhiều không nhưng đường giao thông tuyến tỉnh lộ và QL đang xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, trong khi chúng ta chưa làm được cái mới hoặc đã làm được đường mới nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thì việc giữ được cái cũ là rất quan trọng. Các tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ được tải trọng xe”, ông Đinh La Thăng đề nghị tại hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc 2013.

No comments:

Post a Comment